Việc cả vợ và chùng cùng đứng tên trên sổ đỏ sẽ góp phần hạn chế tranh chấp tài sản, cũng như hạn chế nguy cơ lừa đảo có thể xảy ra. Đồng thời, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến có nhiều nội dung được dư luận quan tâm, trong đó có đề xuất vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Theo đó, khoản 4 điều 143 dự thảo luật quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.
Theo các chuyên gia, quy định sổ đỏ phải được ghi tên của cả chồng và vợ đã được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai năm 2013, nay lại tiếp tục đề cập đến trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ quyền nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, ly dị, và phân chia tài sản.
Thực tế, khi sổ đỏ đứng tên một người sẽ không có vấn đề gì nếu cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, khi ly hôn, đa phần thiệt thòi sẽ thuộc về phụ nữ. Khi hôn nhân không còn tồn tại, cuộc sống của người phụ nữ sẽ bị đảo lộn, không những chịu những tổn thương về mặt tinh thần, bị mất thăng bằng trong cuộc sống mà còn bị áp lực về kinh tế trong nhiều trường hợp.
Ảnh minh họa
Như trường hợp của chị Trần Thị T. (40 tuổi, trú tại Thanh Hóa) là ví dụ. Chị T. cho biết, lâu nay sổ đỏ của gia đình vẫn đứng tên mình chồng chị. Chị quan niệm chồng là chủ gia đình nên cũng không để ý đến chuyện này lắm.
Cách đây 2 năm, do mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng chị làm đơn ly hôn. Tuy nhiên, vấn đề lúc này mới xảy ra, đó là tranh chấp mảnh đất hơn 200m2 đang sử dụng. Chị T. muốn chia đôi mảnh đất, rồi vay mượn dựng căn nhà làm chỗ ở hoặc bán để mua chỗ khác nhỏ hơn.
Tuy nhiên, chồng chị cho rằng, mảnh đất đứng tên anh ta nên đó là tài sản riêng, không đồng ý chia. Người chồng chỉ đồng ý hỗ trợ chị khoảng 100 triệu đồng, với lý do đó là công sức đóng góp của vợ.
Ngoài ra, người chồng tìm cách gây áp lực như thường xuyên chửi bới, đe dọa, thậm chí hành hung vợ. Chính quyền địa phương cũng đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Không chịu nổi, chị đành ra đi với hai bàn tay trắng.
Từ câu chuyện thực tế như trên, các chuyên gia cho rằng, việc để cả vợ và chồng đứng tên trên sổ đỏ là hợp lý. Luật sư Đinh Đức Duy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, luật đã quy định, tài sản của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nhà đất của vợ chồng được coi là tài sản chung khi thuộc các trường hợp sau đây:
– Là tài sản do vợ, chồng có được sau khi kết hôn hình thành từ thu nhập, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng… trong thời kỳ hôn nhân;
– Là tài sản vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung;
– Là tài sản vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
“Tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi vợ chồng ly hôn hay làm các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp đều phải có sự đồng ý của cả 2 người. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc xác định tài sản chung hay riêng. Thậm chí, trong các vụ việc lừa đảo/lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng do sổ hồng chỉ đứng tên một người. Do đó, tốt nhất là nên để sổ đỏ đứng tên cả vợ và chồng”, luật sư Đinh Đức Duy nói.
Tương tự, luật gia Trần Quốc Tuấn (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng để thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng cũng như vị thế của người phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội thì việc để vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ là phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đối với những sổ đỏ hiện chỉ đứng tên vợ hoặc chồng nhưng giờ yêu cầu chuyển sang tên cả vợ và chồng là không cần thiết. Lý do là việc chuyển tên này sẽ làm người dân mất nhiều thời gian, tiền bạc. Trong khi đó, theo quy định thì tài sản trong hôn nhân dù đứng tên một người thì vẫn là tài sản chung. Cụ thể, khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Do đó, tài sản thuộc các trường hợp trên được coi là tài sản chung và vợ, dù một người đứng tên trên sổ đỏ thì hai người vẫn có quyền ngang nhau. Vì vậy, sổ đỏ chỉ ghi tên vợ hoặc chồng không gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu của bên còn lại trong giai đoạn hôn nhân.
Về vấn đề này, luật gia Trần Quốc Tuấn cho hay, đối với các sổ đỏ hiện chỉ đứng tên 1 người khi chuyển sang 2 người cũng chỉ tốn thêm một chút thời gian đi làm thủ tục hành chính. Ngược lại, cả vợ và chồng cùng đứng tên sẽ góp phần hạn chế tranh chấp tài sản, cũng hạn chế nguy cơ lừa đảo có thể xảy ra.
“Hiện nay, các thủ tục hành chính đã đơn giản và tương đối tinh gọn. Người dân chỉ cần 2 lần lên cơ quan chức năng để làm thủ tục chuyển đổi tên là xong. Tuy mất thời gian một chút nhưng việc để cả vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ để đảm bảo quyền lợi, hạn chế các tranh chấp phát sinh cũng như để nâng tầng, bình đẳng cho phụ nữ”, luật gia Trần Quốc Tuấn nói.
Linh Trần